Năm hết Tết đến rồi, hôm nay tôi ngồi đây, dành một chút thời gian để chia sẻ với mọi người vài câu chuyện của nghề tuyển dụng mà tôi đang đeo đuổi. Ai cũng biết rằng, người làm nghề tư vấn tuyển dụng, được xem là “cầu nối” giữa các nhà tuyển dụng và người lao động, mà trong đó, nếu kiên trì sáng lọc sẽ tìm được không ít nhân tài. Nhiều lúc tôi nghĩ, mình đang thực hiện nhiệm vụ “chiêu binh” cho các công ty trong hành trình săn lùng nhân tài. Nhiều doanh nghiệp lớn hay nhỏ ở Việt Nam đều cho rằng, mối quan tâm hàng đầu trong công tác quản lý là nhân sự!
Ai đó đã nói rằng nhân sự là tài sản lớn nhất của các công ty, là nhân tố giá trị nhất mà các nhà điều hành doanh nghiệp không hề tiếc thời gian, ngân sách và công sức để tìm kiếm, chiêu mộ và lưu giữ phụng sự lâu dài. Càng làm lâu trong nghề này, tôi thấy chính chuyên viên tư vấn là người góp phần nắm lấy sứ mệnh rất quan trọng, đó là giúp các ứng viên và nhà tuyển dụng “tìm thấy nhau”!
Người dẫn dắt tôi vào nghề có lần chia sẻ mà tôi vẫn nhớ hoài, đó là người làm công tác “săn nhân tài” luôn phải nhanh nhạy với các yếu tố dẫn đến việc ai đó sẽ có quyết định thay đổi chỗ làm, hay là không. Các vấn đề tiền lương, cơ hội phát triển, người lãnh đạo, tầm nhìn của doanh nghiệp, giá trị họ có thể cống hiến, thời gian họ dành được cho gia đình… đều hoàn toàn có cơ sở và dựa trên các lý do khác nhau, và rất cần chúng ta tìm đúng và đáp ứng nhu cầu của ứng viên ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai gần. Chúng ta hay khách hàng của chúng ta không mang lại cho họ phần lớn các yêu cầu, hoặc tối thiểu là đáp ứng chậm được nhu cầu ấy thì họ sẽ lựa chọn công việc khác phù hợp hơn. Trong nghề này, các sự việc như vậy rất thường xảy ra.
Có những lúc tôi có hơi nản nản, vì không hiểu sao ứng viên “rớt” hoài, hoặc không như mình mong đợi. Song cũng có lúc, càng nhiều trường hợp ứng viên từ chối thì lại càng thúc đẩy tôi phải suy nghĩ xem nên làm thế nào để tìm ra đúng nhu cầu thực sự của ứng viên ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai, từ đó giới thiệu cơ hội phù hợp nhất với họ. Tôi nghĩ đó là một trong những việc làm tích cực của mình.
Một trong những cái “được” khi tham gia nghề “săn nhân tài”, là tôi không hề thiếu cơ hội gặp gỡ, trò chuyện rất nhiều người có khả năng, có trinh độ và cực giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều độ tuổi, tầng lớp khác nhau. Tiếp xúc với họ, tôi thấy mình được chia sẻ, học hỏi từ những câu chuyện thành công, thất bại của họ và cũng giúp mình hiểu hơn về các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội.
Tham gia lĩnh vực này, tôi còn xây dựng và sở hữu được nhiều mối quan hệ tốt đẹp, có thể giúp ích ngược lại cho con đường nghề nghiệp của mình sau này. Khi có người hỏi thăm về buồn vui trong nghề, nhiều lần mình cũng mạnh dạn chia sẻ rằng, dù không phải là người “cái gì cũng làm được” song do đặc thù nghề nghiệp, nên mình hiểu và nắm được tất cả các yêu cầu của công việc ấy. Cứ sau mỗi vị trí mình tuyển được cho đối tác có nhu cầu, đó đã là một quá trình trải nghiệm và học hỏi, nó giúp cho tôi không những hiểu rất rõ về các vị trí công việc, mà còn có thêm kiến thức về nhiều ngành nghề.
Các bạn ơi, nghề “săn nhân tài” này tuy hạnh phúc là thế nhưng cũng không ít thử thách, khó khăn. Không ít lần mình đối diện với tình huống có ứng viên có thái độ, chưa chuẩn mực khi tham gia phỏng vấn hay trò chuyện qua điện thoại. Trong tình huống này việc giữ thái độ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc là rất cần thiết với nghề của chúng ta!
Người làm công việc “săn nhân tài” kiểu gì cũng sẽ phải chịu áp lực ít nhất từ 3 phía: bộ phận có nhu cầu tuyển dụng, cấp trên trực tiếp của bạn và ứng viên. Mình luôn tâm niệm rằng phải thường xuyên giao tiếp, ứng xử khéo léo để “được lòng” cả 3 bên, nói thì dễ cậy chứ đây là câu chuyện không hề đơn giản một chút nào. Nhiều đối tác có ngân sách tuyển người có phần hạn hẹp nhưng luôn đòi phải kiếm được người thật giỏi. Những người đi tìm việc thì luôn yêu cầu được hưởng mức lương ít nhất phải tăng 20% khi “nhảy việc” mới. Còn “sếp” thì luôn có KPI, thời hạn… để “canh chừng” công việc của mình. Với mình, doanh nghiệp cũng là khách hàng mà ứng viên cũng là khách hàng, nên nhiệm vụ của chúng ta là sẽ phải làm mọi thứ có lợi cho cả hai bên. Vai trò của chúng ta là phát triển cùng doanh nghiệp và ứng viên, trở thành cầu nối cung cấp thông tin để họ xây dựng kế hoạch tốt hơn. Đôi khi, nghĩ nghề này cũng như hoạt động leo núi vậy, leo càng cao càng cần bền bỉ về tinh thần và ý chí vô cùng.
Các bạn có chung sự lựa chọn về nghế nghiệp như tôi ơi, chúng ta đã bén duyên với nhân sự, để rồi kết duyên và xây dựng sự nghiệp với nghề này đều cảm nhận và thấu hiểu tường tận về những thách thức, khó khăn trong công việc “làm dâu… 3 họ” này. Chính niềm vui và nỗi ưu tư của nghề “săn nhân tài” luôn đã góp phần tạo thêm bản lĩnh, nghị lực và cả sự động viên cho những người bước đi trên con đường nhân sự, như mình, các bạn ạ.